Lịch sử Công_quốc_Serbia

Các lãnh đạo cuộc cách mạng người Serbia— đầu tiên Karađorđe và sau đó là Miloš Obrenović — đã thành công trong việc đưa Serbia thoát khỏi ách thống trị kéo dài hàng trăm năm của người Thổ. Người Thổ công nhận quốc gia này vào năm 1830 trong một văn bản có tên là Hatt-i Sharif, và Miloš Obrenović trở thành Hoàng thân (knjaz) thừa kế Công quốc Serbia.

Thuở đầu, Công quốc chỉ bao gồm lãnh thổ của Pashaluk of Belgrade, nhưng trong khoảng thời gian 1831–33 nước này mở rộng về phía đông, nam và tây. Ngày 18 tháng 4 năm 1867 chính quyền Ottoman ra lệnh cho quân đội Ottoman rút khỏi pháo đài Belgrade, nơi được xem là đại diện cho sự thống trị của người Ottoman từ năm 1826 ở Serbia. Điều kiện duy nhất cho sự chuyển giao này là lá cờ Ottoman phải tiếp tục được cắm cùng cờ Serbia ở pháo đài. Ngày độc lập trên thực tế của Serbia được tính từ sự kiện này.[1] Một hiến pháp mới vào năm 1869 tuyên bố Serbia là một quốc gia độc lập. Serbia sau đó mở rộng hơn nữa về phía đông nam vào năm 1878, khi mà nền độc lập của nước này khỏi đế quốc Ottoman được công nhận quốc tế tại Hiệp ước Berlin. Công quốc này tồn tại cho đến năm 1882 khi được nâng tầm lên thành Vương quốc Serbia.